Góa phụ thời kỳ Phó chiêu nghi (Hán Nguyên Đế)

Định Đào Thái hậu

Năm Cánh Ninh nguyên niên (33 TCN), Hán Nguyên Đế băng hà, con trai của Vương hoàng hậu là Lưu Ngao lên ngôi, tức Hán Thành Đế.

Theo thông lệ có từ trước, nếu hậu cung phi tần của hoàng đế sinh được con trai và người con trai ấy được phong Vương thì sau khi Tiên đế giá băng, mẫu tử vị Hậu phi đó phải lập tức lui về phong địa, tuyệt không được ở lại trong triều nữa. Do Lưu Khang được phong làm Định Đào vương của Định Đào quốc, nên Phó Chiêu nghi cũng đến đó ở cùng, được tôn gọi là Định Đào Thái hậu (定陶太后). Để tạo thế lực cho dòng họ của mình, bà đem con gái của người em cùng mẹ với mình là Đinh Cơ gả cho Lưu Khang.

Mối quan hệ huynh đệ giữa Thành đế và Định Đào vương Lưu Khang khá tốt. Định Đào vương thường được triệu về Trường An để dự yến cùng Hoàng đế. Khi đó Hán Thành Đế không có con, nên muốn chọn trong số các thân vương một người để nối ngôi. Lưu Khang đã được xem là người thừa kế tiềm năng. Phó Thái hậu rất vui mừng về điều này. Vương Phượng mượn chuyện xảy ra nhật thực ép Thành Đế đuổi Lưu Khang về đất phong Định Đào, không cho gọi trở về Trường An nữa, Thành Đế đành chịu. Đại thần Vương Chương tức giận vì sự chuyên quyền của ngoại thích, bèn kiến nghị Thành Đế bãi chức họ. Vương Phượng bèn tranh thủ sự ủng hộ của Vương Thái hậu gây sức ép với Thành Đế, khiến Thành Đế phải xin lỗi Mẫu hậu, bắt giam Vương Chương. Sau đó, Chương bị chết trong ngục[4].

Năm Dương Sóc thứ 2 (22 TCN), Lưu Khang qua đời, người con của ông là Lưu Hân nối tước Định Đào vương khi mới 3 tuổi. Năm Nguyên Diên thứ 4 (9 TCN), Hán Thành Đế tuyệt tự trong khi tuổi đã cao, ra chiếu chỉ tuyên triệu Định Đào vương Lưu Hân cùng Trung Sơn vương Lưu Hưng, con của Phùng Vương thái hậu; cùng về Trường An để chọn người làm Trữ quân kế vị.

Phó Thái hậu cũng theo cháu nội Lưu Hân vào triều, và bà đã lén vào hậu cung dùng vàng bạc châu báu hối lộ cho Triệu Hoàng hậuVương Căn là cậu của Hán Thành Đế, nhờ cậy họ nói tốt cho Lưu Hân. Chính vì thế Lưu Hân mới được lập làm Hoàng Thái tử vào năm 8 TCN và chọn người cháu của Sở Hiếu vương là Lưu Cảnh đổi sang làm "Định Đào vương" để kế thừa tước vị này[5][6].

Hoàng thái thái hậu

Năm Tuy Hòa thứ 2 (7 TCN), Hán Thành Đế băng hà, Thái tử Lưu Hân lên ngôi tức Hán Ai Đế, lập Phó thị (cháu gái của bà) làm Hoàng hậu, tôn Hoàng hậu Triệu Phi Yến làm Hoàng thái hậu, và tôn Hoàng thái hậu Vương Chính Quân làm Thái hoàng thái hậu.

Khoảng 10 ngày sau khi đăng cơ, Hán Ai Đế đón tổ mẫu cùng thân mẫu đến Vị Ương cung. Nhưng do đích-thứ khác biệt, Phó Thái hậu cùng mẹ ruột Ai Đế là Đinh Cơ ngoài đãi ngộ ra thì vẫn chỉ giữ vị hiệu khi còn ở Định Đào, do Hoàng thái hậu và Thái hoàng thái hậu chỉ có một mà không thể thêm người khác, chính điều này đã dấy lên nỗi bính bình của Hán Ai Đế, cũng như là đề tài tranh luận trong triều đình. Khi đó Cao Xương hầu Đổng Hoành (董宏) tấu lên, lấy ["Mẫu dĩ Tử quý"; 母以子贵] làm lý lẽ, cẩn tôn Phó Thái hậu và Đinh Cơ huy hiệu xứng đáng. Dưới áp lực của Đại tư mã Vương Mãng, cùng Khổng QuangSư Đan, Đổng Hoành bị cắt chức lưu đày, nhưng Hán Ai Đế sau đó liền đến Trường Tín cung, xin dâng thụy hiệu cho Lưu Khang làm [Cung Hoàng]. Rồi cuối cùng, Hán Ai Đế thuận nước đẩy thuyền, dựa vào đó mà ra chỉ tôn tước hiệu mới cha bà nội và mẹ ruột, Phó Thái hậu nhận tước hiệu Cung Hoàng thái hậu (恭皇太后), còn Đinh Cơ mẹ của Ai Đế được phong làm Cung Hoàng hậu (恭皇后), đều lấy thụy hiệu của Định Đào Cung vương Lưu Khang làm hiệu, để tỏ rõ phân biệt với Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu. Trong chiếu có viết:"Kinh Xuân Thu nói 'Mẫu dĩ tử quý', ứng nên tôn kính Phó Thái hậu làm Cung Hoàng thái hậu, Đinh Cơ làm Cung Hoàng hậu, lấy tả hữu Chiêm sự, phong ấp và bày biện đều án theo Trường Tín cung cùng Trung cung đãi ngộ". Ngoài ra, Hán Ai Đế còn truy tôn cha của Phó Thái hậu làm Sùng Tổ hầu (崇祖侯), cha của Đinh Cơ làm Bao Đức hầu (褒德侯)[7].

Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân ra Ngự lệnh cho người cháu trai của mình là Vương Mãng, chỉ huy của cấm quân, phải từ chức và chuyển giao quyền lực cho họ Phó và họ Đinh. Song Hán Ai Đế lại khước từ và muốn giữ Vương Mãng lại. Vài tháng sau, Vương Mãng và Phó Thái hậu nảy sinh mâu thuẫn. Trong một buổi yến tiệc, bảo tọa của Phó thái hậu được đặt trước bảo tọa của Vương Thái hoàng thái hậu nương nương. Vương Mãng thấy vậy, bèn quở trách và ra lệnh bảo tọa của Phó thái hậu phải được chuyển sang phía bên góc, Phó thái hậu vô cùng giận dữ, cho rằng họ Vương không xem trọng mình, bỏ về không dự tiệc. Để tránh sự tức giận của Phó Thái hậu, Vương Mãng liền từ chức, và Hán Ai Đế chấp thuận cho hắn.

Sau khi Vương Mãng từ chức, gia tộc họ Vương tạm rút khỏi vị trí quyền lực trong triều của mình. Thay vào đó, nhờ vào thế lực của bà mà họ Phó và họ Đinh được trọng dụng, lấn át thế lực ngoại thích họ Vương rồi dần trở thành phe cánh mới trong triều đình. Em trai cùng mẹ cùng cha của Phó thị có bốn người, là Phó Tử Mạnh (傅子孟), Phó Trung Thúc (傅中叔), Phó Tử Nguyên (傅子元) và Phó Ấu Quân (傅幼君). Trong đó, con của Tử Mạnh là Phó Hỉ (傅喜) làm đến Đại tư mã, tước Cao Vũ hầu (高武侯); con trai Trung Thúc là Phó Yến (傅晏) cũng làm Đại tư mã, hiệu Khổng Hương hầu (孔乡侯); con trai Ấu Quân là Phó Thương (傅商) phong làm Nhữ Xương hầu (汝昌侯); đem Sùng Tổ hầu sửa thành Nhữ Xương Ai hầu (汝昌哀侯). Con trai của người em khác cha là Trịnh Nghiệp (郑业) được phong làm Dương Tín hầu (阳信侯), truy tôn Trịnh Uẩn làm Dương Tín Tiết hầu (阳信节侯). Như vậy trong nhà Phó Thái hậu có sáu người được phong Hầu, 2 người làm Đại tư mã, 6 người làm bậc Cửu khanh, 10 người trở thành Thị trung, bổng lộc hơn 2.000 thạch[8].

Năm Kiến Bình thứ 2 (5 TCN), tháng 3, Cung Hoàng thái hậu Phó thị được Ai Đế tấn tôn làm Đế thái thái hậu (帝太太后). Năm thứ 3 (4 TCN), tháng 6, chiếu tôn Đế thái thái hậu làm Hoàng thái thái hậu (皇太太后), tương đương với Thái hoàng thái hậu của Vương Chính Quân. Chỗ ở của Hoàng thái thái hậu được gọi là Vĩnh Tín cung (永信宮), các thiết có Thiếu phủ, Thái bộc, trật lộc đều là hơn 2.000 thạch[9][10].